***** VIETNAMESE ONLY. WE APOLOGY FOR THE UNCONVENIENCE *****
Thời gian
15h00 thứ Bảy, 03.12.2016
Địa điểm
Hà Nội: Heritage Space / Dolphin Plaza - 6 Nguyễn Hoàng, Mỹ Đình 2, Quận Nam Từ Liêm (cạnh Bến xe Mỹ Đình)
TPHCM: Salon Cà phê thứ bảy, 19B Phạm Ngọc Thạch, Phường 6, Quận 3.
Chương trình
14h30 - 15h00: Gặp gỡ
15h00 - 16h30: Xem phim
16h30 - 17h00: Thảo luận
# Vào cửa tự do. / Phim có phụ đề tiếng Việt.
# Thực hiện: Ashui Academy / VUUV / TID Group / Heritage Space / Cà phê thứ bảy
//////////
Hơn một thập niên trở lại đây, Trường Đại học Bách khoa Lausanne của Thụy Sỹ (EPFL) dưới sự chỉ đạo của thầy hiệu trưởng rất năng động và có tầm nhìn xa Patrick Aebischer, đã trở thành một trong những trường đại học hàng đầu thế giới hiện nay. Để khẳng định tầm quan trọng của mình, Trường EPFL không chỉ mời những giáo viên giỏi nhất về giảng dạy mà còn không ngừng phát triển cơ sở vật chất. Nhiều công trình kiến trúc xây mới phục vụ học tập trở thành chiến lược nâng cao hình ảnh, biểu tượng cho sự hiện đại tiên tiến của trường. Năm 2004, Trường EPFL tổ chức cuộc thi kiến trúc quốc tế để xây dựng thêm một tòa nhà Thư viện. Mười hai văn phòng kiến trúc nổi tiếng nhất thế giới đã được mời tham dự, trong đó có những tên tuổi như Jean Nouvel, Rem KoolHaas, Herzog & de Meuron, Zaha Hadid, Diller Scofidio + Renfro... Nhưng cuối cùng đồ án của hai kiến trúc sư Nhật Bản Kazuyo Sejima và Ryue Nishizawa (văn phòng SANAA) đã chinh phục hoàn toàn ban giám khảo.
Vậy thế nào là Thư viện cho tương lai mà Trường EPFL muốn có trong khuôn viên của mình?
CLB Điện ảnh Kiến trúc xin trân trọng giới thiệu tới các bạn bộ phim “Nội cảnh” (The Interior Landscape) của đạo diễn Pierre Maillard. Bộ phim sẽ đưa người xem trở về từ thời điểm các kiến trúc sư trình bày đồ án, đến nhát cuốc khởi công đầu tiên và cho tới khi công trình được đưa vào sử dụng. Chúng ta sẽ khám phá những ý tưởng rất tiên phong cho một Thư viện của thế kỷ 21, những giải pháp kỹ thuật tiên tiến được các kiến trúc sư, kỹ sư và những người thợ làm chủ tình thế. Tất nhiên, bộ phim cũng cho chúng ta biết ý kiến của những người sử dụng tòa nhà Thư viện dành cho thời đại kỹ thuật số này.
Đạo diễn Pierre Maillard chọn tên phim “Nội cảnh” với chủ định nói lên cách xử lý không gian của tòa nhà và cũng là triết lý kiến trúc thường gặp của hai kiến trúc sư Kazuyo Sejima, Ryue Nishizawa. Tuy có những suy nghĩ hoàn toàn khác so với thế hệ đi trước như Kenzo Tange, Fumihiko Maki và Tadao Ando, nhưng kiến trúc của họ vẫn thấm đẫm tính truyền thống Nhật Bản.
“Nội cảnh” sẽ là cuốn phim cuối cùng nói về các kiến trúc sư “ngôi sao” (stararchitect), những người đã để lại dấu ấn quan trọng cho sự phát triển chung của lịch sử kiến trúc thế giới cuối thế kỷ 20 và khởi đầu thế kỷ 21. Vào đầu tháng 1 năm 2017, CLB sẽ kết thúc chương trình “Kiến trúc sư, cuộc đời và tác phẩm” khi giới thiệu tới các bạn một văn phòng kiến trúc sư mà kiến trúc của họ dường như bước sang một giai đoạn khác, khi môi trường và xã hội là những vấn đề trọng tâm cần phải giải quyết.
#SANAA #KazuyoSejima #RyueNishizawa #architecturemovies