***** VIETNAMESE ONLY. WE APOLOGY FOR THE UNCONVENIENCE *****
Thời gian
3h00 chiều thứ Bảy, 21/05/2016
Địa điểm
Hà Nội: Heritage Space / Dolphin Plaza - 6 Nguyễn Hoàng, Mỹ Đình 2, Quận Nam Từ Liêm (cạnh Bến xe Mỹ Đình)
TPHCM: Lâu đài Tajmasago - 6 Phan Văn Chương, Phú Mỹ Hưng, Q.7 / xác nhận tham dự: hcmc@ashui.com
Vũng Tàu (9h sáng Chủ nhật, 22/5/2016): Phòng trà Sen Quê - 69/24C Lê Hồng Phong, phường 7.
Chương trình
14h30 - 15h00: Gặp gỡ
15h00 - 17h00: Xem phim
17h00 - 17h45: Thảo luận
# Vào cửa tự do. / Phim có phụ đề tiếng Việt.
# Thực hiện: Ashui Academy / VUUV / Heritage Space / Lâu đài Tajmasago
////////////////////
Các bạn thân mến, để tiếp tục nói tới các kiến trúc sư trong trào lưu "Kiến trúc hiện đại", CLB Điện ảnh Kiến trúc xin giới thiệu tới các bạn một trong những kiến trúc sư quan trọng khác ở thế kỷ 20, đó là Louis Kahn (1901-1974). Cũng như Le Corbusier, ông là người đi tìm "nguồn gốc" của kiến trúc thông qua những giá trị truyền thống. Nhưng ông đã biết biến đổi những giá trị đó thành tư tưởng mới, để thể hiện kiến trúc của mình hoàn toàn hiện đại. Đây cũng là một trong những lý do mà CLB lựa chọn các kiến trúc sư trong chuỗi phim năm nay.
Louis Kahn kém Le Corbusier 14 tuổi, ông thuộc hàng kiến trúc sư tiếp sau của trào lưu "Kiến trúc hiện đại" hoạt động chính ở những thập niên 1950-60. Ông sinh tại đất nước Estonia (gốc Do thái), nhưng gia đình đến định cư tại Mỹ khi ông 4 tuổi và sinh sống trong một khu ngoại ô nghèo của thành phố Philadelphia. Ông chơi piano rất giỏi và đã từng kiếm tiền bằng nghề này. Vì giỏi âm nhạc và vẽ, ông đã được nhận học bổng vào khoa Kiến trúc trường đại học Pennsylvanie. Tại đây ông đã tiếp nhận nền giáo dục kiểu Học viện "Beaux-arts", mô hình đến từ Pháp rất được ưa chuộng tại Mỹ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Tuy được tiếp nhận nền giáo dục cổ điển nhưng Louis Kahn rất ngưỡng mộ những kiến trúc sư hiện đại đầu tiên như Frank Lloyd Wright, Mies van der Rohn và đặc biệt Le Corbusier. Ông nghiên cứu kỹ cuốn sách nổi tiếng của Le Corbusier "Hướng về một nền kiến trúc" (Vers une architecture). Như chúng ta đã biết, Le Corbusier không đồng tình với kiểu dạy học ở Học viện "Beaux-arts". Nhưng Louis Kahn đã biết kết hợp các luồng tư tưởng ở hai phía để tìm ra được lối đi riêng của mình.
Năm 1951, Louis Kahn nhận giải thưởng "Rome Prize", giải thưởng cao quí của hệ thống giáo dục "Beaux-arts". Chính nhờ vào giải thưởng này mà ông đến nước Ý, sau đó thăm quan Hy Lạp và Ai Cập. Những ký hoạ của ông trong thời gian này như muốn quay lại nền tảng cơ bản, khai thác những ý nghĩa đầu tiên của kiến trúc thông qua những công trình cổ đại.
Công trình của Louis Kahn thường là thể loại lớn mạng đậm tính "uy nghi", phần lớn ở nước Mỹ, nhưng tòa Nhà Quốc hội tại thủ đô Dhaka ở Bangladesh và Viện quản lý Ahmedabad ở Ấn Độ cũng thuộc hàng những kiệt tác của ông. Kiến trúc của ông nổi lên hai điểm khác biệt. Thứ nhất, đó là sự tài tình trong cách sử lý bố cục khối và ánh sáng. Ta có cảm giác như ông đã truyền tải được "tinh thần" của kiến trúc cổ đại vào các tác phẩm của mình. Không gian của ông mang tính "linh thiêng" rất đặc biệt nhờ vào việc tìm được sự "hợp nhất" giữa kết cấu, vật liệu và ánh sáng. Thứ hai, giống Le Corbusier, Louis Kahn rất coi trọng việc xử lý "mặt bằng". Ông là người đưa ra luận điểm "không gian phục vụ" (servant space) và "không gian được phục vụ" (served space). Đó là sự gộp lại và phân chia không gian theo chủng loại. Những không gian chứa thang, WC, hệ đường ống kỹ thuật, kho... tập hợp lại thành "servant space". Tương tác với chúng là những không gian chính "served space". Thực ra đây lại là một sự chuyển giao rất sâu sắc từ truyền thống sang hiện đại. Nguyên lý này ông tiếp thu được từ những lâu đài cổ ở đất nước Scotland khi mà không gian chính được bao quanh bởi các bức tường dầy, mà bên trong độ dầy của những bức tường này ẩn chứa những "servant space".
Có thể coi Louis Kahn đồng quan điểm với Le Corbusier ở nhiều mặt trên phương diện nghề nghiệp, nhưng có lẽ hai người rất khác nhau về quan niệm trong cuộc sống riêng tư. Le Corbusier quyết định không có con để cống hiến cả đời cho công việc. Louis Kahn cũng cống hiến cả đời cho công việc nhưng lại là người rất đa tình và chấp nhận phát sinh "hậu quả". Nhiều người không hiểu tại sao ông có thể sống một lúc "bốn cuộc sống"? Một cho kiến trúc, một cho vợ và hai cho hai người tình...! Với mỗi phụ nữ của mình, ông đều có một con riêng (cả ba người đều là những nữ kiến trúc sư làm việc trong văn phòng của ông). Có thể nói theo hướng "tích cực" thì nhờ vào một trong những "hậu quả" của ông mà chúng ta có được một cuốn phim tuyệt vời.
Cuốn phim đầy cảm động "Kiến trúc sư của tôi" (My Architect), được thực hiện bởi người con thứ ba của Louis Kahn: Nathaniel Kahn. Anh là con trai của người tình thứ hai, cũng là người con trai duy nhất. Khi bố mất, anh mới chỉ có 11 tuổi. Nhưng ngay cả khi còn sống Louis Kahn cũng chỉ thỉnh thoảng ghé thăm hai mẹ con vào dịp cuối tuần. Cuốn phim là cơ hội để anh đi tìm dấu vết của người cha mà anh biết rất mơ hồ. Nhưng có lẽ hơn thế nữa, đây là một cách để anh đi tìm tung tích của chính mình.
Cuốn phim là một chuyến du hành tới những công trình nổi tiếng của Louis Kahn. Mỗi nơi lại là sự gặp gỡ của những bạn bè đồng nghiệp, người thân, những người dân sống và làm việc trong mỗi công trình... và tất nhiên những người phụ nữ của ông. Những phân tích đồng lòng hay phản đối sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về kiến trúc của ông.
Nhưng, cuốn phim không chỉ chú trọng vào kiến trúc, nó còn đặc biệt nói về cuộc đời của người kiến trúc sư. Người đã dành trọn cuộc đời mình cho kiến trúc. Một sự đấu tranh khốc liệt đến hơi thở cuối cùng. Vượt lên trên tất cả đó là lòng yêu thương con người một cách sâu sắc thông qua những tác phẩm của mình. "My Architect" được đánh giá cao trong giới kiến trúc sư quốc tế và được đề cử giải Oscar cho phim tài liệu hay nhất năm 2004.